Header Ads Widget

Ticker

6/recent/ticker-posts

Chuyên gia đại học hướng dẫn làm tốt môn Toán thi THPT quốc gia 2020

Còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, các sĩ tử đang trong giai đoạn ôn tập, tổng hợp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng.


PGS.TS. Vũ Đỗ Long, Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội về môn Toán đã có những chia sẻ để giúp thí sinh làm tốt bài thi THPT quốc gia môn học này.


Theo PSG.TS Vũ Đỗ Long, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán học trong kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện từ năm 2017 đến nay.
Như các học sinh đều biết đề thi môn Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 90 phút, trong phân bổ kiến thức có khoảng 40 câu hỏi của lớp 12 (80% tổng số), 10 câu lớp 11 (20% tổng số); về lĩnh vực kiến thức thì khoảng 35 câu hỏi Đại số- Giải tích (70% tổng số) và 15 câu Hình học (30% tổng số).
Như vậy, PGS. Vũ Đỗ Long cho rằng học sinh đừng có “dại” mà bỏ qua kiến thức Toán lớp 10.
Vì môn Toán kiến thức là liên tục, không học lớp 10 vững thì sẽ khó học lớp 11 và 12. Đề thi không hỏi trực tiếp nhưng kiến thức lớp 10 lại có trong nội dung các bài toán lớp 11 và lớp 12 như hàm số, phương trình – bất phương trình, công thức biến đổi lượng giác, vec tơ, hệ thức lượng tam giác, hình học tọa độ phẳng.
Vậy học sinh có cách ôn thi và làm bài thi Toán thế nào?
PGS. Vũ Đỗ Long chỉ ra một số lưu ý khi thí sinh dự thi môn Toán, kỳ thi THPT quốc gia.
Đó là phải thuộc và cố gắng hiểu các công thức lý thuyết. Nếu có thể ghi các công thức vào 1 sổ tay, rỗi mang ra đọc như học bài hát;
Phải hết tháng 2 là học xong kiến thức lớp 12, còn 3-4 tháng luyện thi cho nhuyễn, đề thi – đáp án có nhiều trên mạng, cứ lấy về mà làm;
Phải biết dùng máy tính điện tử bỏ túi. Ngoài các phép toán cộng trừ nhân chia với các hàm sơ cấp máy tính điện tử bỏ túi còn có các chức năng khác như giải phương trình, bất phương trình, hệ phương trình, tính tích phân, đạo hàm, số phức, giới hạn, giá trị hàm số tại từng điểm hay trên một đoạn, tích có hướng hai véc tơ...
Nếu học sinh sử dụng máy tính thành thạo sẽ rất có lợi vì đảm bảo tính chính xác và tốc độ tính toán;
Phải làm bài đúng thứ tự, đề thi THPT quốc gia đã xếp từ dễ đến khó, học sinh yên tâm làm từ câu 1đến câu 50.
Khoảng 20 câu đầu là dễ-mức nhớ kiến thức; khoảng 10 câu sau (số 21-30) là trung bình-mức hiểu; 10 câu sau (số 31-40) là hơi khó -mức vận dụng ; 10 câu cuối (số 41-50) là thực sự khó- mức vận dụng cao.
Ngoài ra, PGS. Vũ Đỗ Long cũng nhắc nhở, làm bài thi như chạy thi, phải tính thời gian từng chặng, phân sức cho hợp lý.
Thời gian 90 phút sẽ phân bố thế nào cho tốt, học sinh cũng cần phải có “chiến lược”.
PGS. Long gợi ý, đối với nhóm học sinh làm 6 điểm:
20 câu đầu tiên làm trong 30 phút. 10 câu tiếp theo-số (21-30) làm trong 40 phút. Còn lại 20 phút chọn một số câu thấy dễ nhất trong 20 câu còn lại-số (31-50) mà làm, nhớ hoàn thiện cả đề thi.
Nhóm học sinh làm 7-8 điểm:
20 câu đầu tiên làm trong 20 phút. 10 câu tiếp theo-số (21-30) làm trong 25 phút. 10 câu tiếp theo-số (31-40) làm trong 35 phút. Còn lại 10 phút hoàn thiện 10 câu cuối và cả đề thi.
Nhóm học sinh làm 9-10 điểm:
20 câu đầu tiên làm trong 15 phút. 10 câu tiếp theo-số (21-30) làm trong 20 phút. 10 câu tiếp theo-số (31-40) làm trong 25 phút. 05 câu tiếp theo-số (41-45) làm trong 15 phút. 05 câu cuối-số (46-50) và hoàn thiện đề thi trong 15 phút.
“Nói thì dài nhưng chốt lại là vẫn phải chăm học, luyện tập mới có cơ hội thành công các em nhé – PGS. Vũ Đỗ Long dặn dò.
NGHIÊM HUÊ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét