Header Ads Widget

Ticker

6/recent/ticker-posts

Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng và trưởng thành

Trong không khí cả nước tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - đây chính là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944 - ảnh tư liệu

Khi mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ trong đó có 31 nam, 3 nữ dưới sự chỉ huy của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với trang bị hết sức thô sơ, thiếu thốn nhưng đã sớm phát huy truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự của dân tộc. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu phải thắng”, chỉ hai ngày sau khi thành lập, với lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, đội đã đánh thắng hai trận đầu liên tiếp Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được sáp nhập với các Trung đội Cứu quốc quân và đổi tên thành Việt Nam giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Việt Nam Giải phóng quân đã lần lượt đổi tên thành Vệ quốc đoàn (9-1945), sau đó là Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân đội Quốc gia Việt Nam đã cùng toàn Đảng, toàn dân ra sức xây dựng và bảo vệ Nhà nước non trẻ, đập tan âm mưu bạo loạn của các thế lực phản động, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, đẩy mạnh xây dựng lực lượng, góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Trước một đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của quốc tế, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông, dựa chắc vào nhân dân, tìm lối đánh thích hợp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước giành những thắng lợi quan trọng như: Cuộc chiến đấu tại các đô thị năm 1946 – bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp, Chiến dịch Việt Bắc thu-đông 1947 đã làm phá sản hoàn toàn âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, tiếp đến là Chiến dịch Biên giới thu-đông 1950 chúng ta đã khai thông được biên giới Việt-Trung, giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Đặc biệt quân đội nhân dân Việt Nam đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954, phá tan kế hoạch quân sự Nava, nỗ lực cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải kí kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954) công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Lần đầu tiên trên thế giới, ở một nước thuộc địa, một đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại quân đội nhà nghề của một đế quốc thực dân.

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5 năm 1954 - ảnh tư liệu
 
Hiệp định Giơnevơ được kí kết, Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên miền Nam vẫn còn tạm thời chịu sự chiếm đóng của Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ- Diệm có âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành một căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á. Dự báo đúng ý đồ chiến lược của chủ nghĩa đế quốc, sớm muộn cũng phải trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Cùng với sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành trụ cột vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ dám đánh, quyết đánh mà còn biết đánh thắng. Quân đội nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, từng bước vô hiệu hóa sức mạnh của địch, làm cho chúng không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị hiện đại, bị căng kéo khắp các chiến trường, càng kéo dài chiến tranh càng bị sa lầy vào “đường hầm không lối thoát”.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ như: Chiến tranh đơn phương (1954-1960), Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh cục bộ (1965-1968) và cuối cùng là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1975).

Những chiến thắng to lớn của quân, dân hai miền Nam - Bắc, đặc biệt là thắng lợi của quân, dân miền Bắc trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng pháo đài bay B-52 trên bầu trời Hà Nội (tháng 12 năm 1972) đã buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình; công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc. Thắng lợi này đã góp phần xóa bỏ chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên thế giới.

Xe tăng Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30 tháng 4 năm 1975 - ảnh tư liệu

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc trường chinh mới, chiến đấu giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Lào bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những thay đổi phức tạp của tình hình trong nước, quốc tế, phát huy truyền thống trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mãi mãi tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Quân đội nhân dân Việt Nam còn tích cực tham gia vào phái bộ của Liên hợp quốc về giữ gìn hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế.

Các nữ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, ngày 24.3.2021 (nguồn báo Thanh niên)
 
Qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam mãi xứng danh là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xứng danh anh bộ đội cụ Hồ đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
 
Tác giả: Tạ Văn Minh - Giáo viên Lịch sử - Trường THPT Hiệp Hòa số 3

Đăng nhận xét

0 Nhận xét